Một ngày đầu tháng tư, tôi cùng nhà văn Cẩm Anh trở lại huyện Tĩnh Gia trên tuyến xe buýt từ thành phố Thanh Hóa – Nghi Sơn. Mải mê trò chuyện về sự đổi thay nhanh chóng của những miền quê, cậu lái xe nhắc chúng tôi đã tới bến. Cẩm Anh cười khì: “Chả trách, tớ đã ngửi thấy mùi biển”!
hải hòa

Vùng biển hải hòa- tĩnh gia

Tĩnh Gia nằm phần lớn ở phía đông Quốc lộ 1A. Thiên nhiên ban tặng cho nơi đây 42 km bờ biển, có rừng, núi non, đồng bằng với hệ thống hồ đập, hang động mỹ lệ và kênh Nhà Lê, kênh Xước cùng đổ ra biển. Huyện có vị trí địa lý thuận lợi cho cả đường bộ, đường biển, đường thủy và đường không. Phía dưới là biển, đảo, bên trên là núi  non, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Biển Hải Hòa đã được quy hoạch từ năm 2003, khu sinh thái rừng và hồ Yên Mỹ, Hao Hao, Đồng Chùa, Khe Nhòi và động Trường Lâm chừng 50 ha cũng đã được quy hoạch…
Đã lâu không về Hải Thanh, tôi cứ nghĩ cảng Lạch Bạng của xã vẫn chỉ là một vụng cát nhỏ như xưa, nhưng không! Mọi thứ hôm nay đã đổi thay nhanh chóng, ngoại trừ con đường nhỏ khoảng ba mét, như một sợi chỉ ngoằn nghèo chạy từ đầu xã đến cuối xã thông ra biển quá chật chội, luồn lách mãi,  xe chúng tôi mới vào được tới khu di tích văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh gồm có 4 điểm đã được cấp Bằng công nhận cấp quốc gia:đền Lạch Bạng nằm trên một mỏm núi, quay mặt ra biển, lấy đảo Mê nằm cách bờ 25 km làm bức chấn phong. Nhà văn Cẩm Anh à lên một tiếng khoan khoái sau khi đã vào đền thắp hương. Chúng tôi dạo quanh đền để hít thở bầu không khí trong lành với cây xanh, chim hót, gió biển rì rào.
Biển hải hòa đầy cuốn hút khách du lịch

Biển hải hòa đầy cuốn hút khách du lịch

Tham khảo:

Tôi im lặng ngồi nhìn ra hòn Mê, hòn Đót, thâu vào mắt mình một thiên đường mêng mang sóng nước trong xanh, trải rộng đến ngút ngàn tầm mắt, mà mê đắm một không gian thần tiên. Cẩm Anh nói với tôi: “Tôi còn tham, sân, si lắm cậu ạ, nếu buông bỏ được nhiều thứ, tôi có thể về đây để mà thiền”. Tôi cười: “Nếu chị về đây được thì đừng về để thiền, mà về để viết về một vùng biển giàu tiềm năng nhưng chưa được đầu tư khai thác, cần quảng bá rộng hơn, kêu gọi đầu tư mạnh hơn…” Từ đền Lạch Bạng chúng tôi đi ngược lại hướng Tây chừng ba trăm mét là đền thờ vua Quang Trung. Ngôi đền chỉ nhỏ bằng một gian nhà đơn sơ, tọa trên sườn núi, quay mặt về hướng Nam. Trong làn khói hương nghi ngút, tôi thầm khấn cầu cho ngài tiếp tục phù hộ cho quốc phú, dân cường, muôn năm thái bình và mong nơi đây, sớm được đầu tư cho xứng tầm với công lao của một vị vua có công với dân, với nước. Cách đền thờ vua Quang Trung chừng 200 m là chùa  Đót Tiên thờ Phật, cũng là Trung tâm Giáo hội Phật giáo của huyện, chùa cũng đã xuống cấp nghiêm trọng và một trong 4 tấm bia cổ đã bị vỡ nát.
Gặp chị Nguyễn Thị Loan đang gánh đá lên công quả cho chùa, chị cho biết: “Đây là ngôi chùa cổ. Nhiều năm nay nhân dân quanh vùng luôn có ý thức công quả để bảo tồn, nhưng để tôn tạo lại thì phải chờ đầu tư của cấp trên”. Cũng đi ngược lại hướng Tây, chúng tôi đến đền thờ Thanh Xuyên – thờ Thành Hoàng làng rồi vòng trở lại cảng Lạch Bạng. Cảng hôm nay đã được đầu tư nâng cấp khang trang. Tuy là một bến cảng nhỏ, nhưng chiều nay nắng rực vàng rải đều trên cảng đã gọi hàng trăm con thuyền dâng buồm chạy về bến đậu, như đàn con thân yêu của biển sau một ngày lao động mệt nhọc đã tìm về tấp lại nghỉ ngơi. Tôi lại sát con thuyền có hàng chục người đang khênh các thùng cá xuống bến. Cá tươi xanh, thơm mùi nước biển như gợi cho người ta những vị giác thơm ngon. Cùng với nhiều loại cá ngon, ở đây còn có nướ c mắm Du Xuyên, Ba Làng nổi tiếng và có thương hiệu.
Xa xưa bà con ở đây đã theo những con thuyền buôn đem nghề vào Phan Thiết, khai thác tiềm năng hải sản miền trong và nhiều nhà thành đại gia nước mắm Phan Thiết, nhưng vẫn lấy hai cái tên gốc của làng Du Xuyên làm thương hiệu nước mắm “Du Xuyên” và nước mắm xứ đạo Ba Làng làm thương hiệu cho nước mắm “Ba Làng”. Chúng tôi không còn thời gian để thăm những xưởng chế biến cá khô, mắm tôm, xưởng đóng và sửa chữa tàu thuyền của xã nên vội chia tay để trở ra làng đảo Nghi Sơn. Đi qua khu công nghiệp Nghi Sơn, nhìn ngắm cảng nước sâu, nhà máy xi măng, khu nhiệt điện… là đến được xã đảo Nghi Sơn, nhìn xa như một doi cát sầm uất nhà cửa, hàng quán, những nong cá khô, mực khô bầy la liệt dưới nắng chiều như trong truyện cổ tích.
Trên bản đồ địa lý Việt Nam đề là cù lao Bãi Biện. Cụm di tích văn hóa lịch sử, danh thắng nơi đây được cấp Bằng công nhận cấp tỉnh gồm: Cổng thành Ông Ninh, thành Đồn, thành Hưu, thành Ngọc, nơi các nhà khảo cổ đã từng tìm thấy nhiều mũi tên đồng, những mảnh gốm cổ có tuổi thọ hàng ngàn năm, bên ngoài có khẩu súng thần công là những di tích đánh giặc ngoại xâm, giữ gìn quê hương của nhân dân ta; Giếng Ngọc gắn với truyền thuyết từ thời Âu Lạc, với thiên tình sử bi thương: vua An Dương Vương, Mỵ Nương và Trọng Thủy; Đền thờ Trần Quý Phi, còn gọi là đền Vua Bà, đền Rắn với truyền thuyết Trần Quý Phi là vợ Long Vương. Bà là nhân thần, bảo hộ, che chở cho ngư dân trên cù lao Bãi Biện vượt trùng khơi, mang về những khoang cá đầy, cho dân no ấm, bình yên. Năm 1789, Nguyễn Huệ lấy Biện Sơn làm căn cứ hải quân, hợp cùng các đạo quân trên bộ, thần tốc kéo ra Thăng Long, sau khi đại thắng quân Thanh, nhà vua quay về tạ thần. Hoàng đế Khải Định sắc phong cho bà làm Thượng đẳng thần tối linh và lễ hội tưởng nhớ công lao của bà được tổ chức vào 22 tháng 4 âm lịch hàng năm; Đền thờ Tôn Thất Cơ nhân dân lập lên để tưởng nhớ một viên quan triều Nguyễn.
Năm 1937, ông bị vua Bảo Đại giáng chức đày đến Nghi Sơn. Ông không chỉ thương dân nghèo, sẻ chia cơm, gạo mà còn đem nhiều nghề đến dạy cho nhân dân như xây giếng nước ăn, cắt tóc, dạy chữ quốc ngữ, lãnh đạo nhân dân mở đường mòn qua núi vào đất liền, không phải đi lại bằng thuyền, bè nguy hiểm. Con đường đó nay đã mở rộng thành đường ô tô. Ông Tôn Thất Cơ chết trên đảo trong sự thương tiếc của nhân dân, nên nhân dân lập đền thờ và thường xuyên chăm lo hương khói đến mộ chí của ông. Một danh thắng nữa là nhà thờ Ba Làng trên đất xã Nghi Sơn – Nơi vị thừa sai Pháp Alếch xăngđơrốt (Cha Đắc Lộ) từ miền Nam ra (1627).
Ông có công góp phần đưa chữ quốc ngữ vào xứ Thanh. Chúng tôi đến quán của chị Hòa vừa ngồi nghỉ, vừa nhâm nhi vài con mực đang nóng hơi than hoa và mấy con cá nục nướng. Vị ớt, tỏi hòa trong nước mắm cốt sao mà hợp với cá khô nướng kẹp bánh đa đến vậy. Một ngụm bia đưa đẩy miếng mực, cá khô vào miệng khiến câu nói “miếng ngon nhớ lâu” hiện mãi trong đầu. Vừa ăn vừa nhìn những nong cá khô bày la liệt, như lạc vào một câu chuyện cổ tích vui thú với sóng biển rì rào. Tầu thuyền gương buồm chập chờn xa xa như những cánh bướm xinh xinh. Cẩm Anh nói: “Ngoài khu kinh tế Nghi Sơn ra, hình như danh thắng nơi đây nhiều cái còn “hoang sơ”, mặc dù nó “thơ mộng” và “kỳ vĩ”, liệu giấc mơ đảo Mê sẽ trở thành khu du lịch sinh thái với những nhà nghỉ 5 sao, ca si nô, khu vui chơi giải trí với nhiều chức năng đem đến một tua du lịch đảo nối với hòn Nẹ, hòn Đót và chuỗi đảo lớn nhỏ dọc từ Thanh Hóa vào Nghệ An để đi tắt, đón đầu phát triển cùng khu kinh tế Nghi Sơn, cho sân bay ở xã Hải Ninh “cất cánh” đón khách quốc tế thì có được không?. Tôi cười: “Trí tưởng tượng của nhà văn thật là phong phú, để em điện cho chị Thanh, Trưởng phòng văn hóa huyện hỏi xem”.
Chị Thanh cho biết rằng, đảo Mê đang có một nhà đầu tư đăng ký sẽ đầu tư làm cầu nối 25 km trên biển từ đất liền ra đảo Mê để xây dựng đảo Mê thành khu du lịch sinh thái. Chúng tôi hy vọng nhiều vào chính sách phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của Tĩnh Gia; trong đó làm sao để khơi dậy được tiềm năng du lịch của huyện, để những tín hiệu vui hôm nay sẽ sớm trở thành hiện thực. Mặc dù chuyến đi này chúng tôi không đến được động Trường Lâm,du lịch biển Hải Hòa, rừng nguyên sinh và tái sinh, kênh Nhà Lê, hồ Yên Mỹ, hồ Hao Hao, thưởng thức thịt chim cu kỳ hòn Mê, yến sào Hoàn Đót, cá trắm khe Nhòi hấp với lá chua… , nhưng phần nào chúng tôi đã thấy được tiềm năng du lịch của huyện.  Với hy vọng bài viết này góp một phần nhỏ vào việc khơi dậy tiềm năng đó, để Tĩnh Gia tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, phát triển ngành kinh tế du lịch, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, tạo nên một bước đột phá mạnh trong phát triển kinh tế, xứng với tiềm năng mà huyện đang có.
 

Tags: , , , ,